Bạn đang có nhu cầu tư vấn cách chọn vợt cầu lông chi tiết từ chuyên gia để có thể mua được cho mình cây vợt phù hợp với lối đánh và số tiền định bỏ ra? Tham khảo ngay một số kinh nghiệm chọn vợt cầu lông được Thiên Trường Sport chia sẻ sau đây nhé !
Đến với bộ môn cầu lông, dù chơi nghiệp dư hay chuyên nghiệp thì bạn đều cần phải sở hữu cho mình một cây vợt cầu lông. Vậy, bạn đã biết cách chọn vợt cầu lông như thế nào phù hợp với trình độ và lối chơi của mình chưa? Trong bài viết ngày hôm nay, Thiên Trường Sport sẽ tư vấn giúp bạn lựa chọn cho mình một cây vợt cầu lông ưng ý nhất. Nào, cùng điểm qua các bước để chọn vợt cầu lông phù hợp cho mình bạn nhé !
1. Chọn vợt cầu lông vừa sức.
Mỗi người có các đặc điểm về thể hình, thể lực, trình độ kỹ thuật và lối đánh (chiến thuật) khác nhau nên cần lựa chọn vợt cầu lông thật phù hợp nếu không chỉ sau một thời gian ngắn sẽ dễ bị mất hứng thú, trình độ không nâng lên, hoặc tệ hơn nữa là chấn thương cổ tay hay vai... Điểm thứ nhất cần chú ý là trọng lượng vợt, nay thường được ghi kí hiệu bằng chữ U trên tem dán ở phần cán tiếp giáp với thân vợt.
Số U càng lớn thì vợt càng nhẹ và với người châu Á nói chung thì 3U (85-89 gram) là trọng lượng vợt vừa phải và phù hợp nhất. Ai có cánh tay và cổ tay khỏe thì có thể lựa chọn 2U (90-94 gram). Các bạn nữ, các em thiếu niên có thể chọn loại nhẹ hơn như 4U (80-84 gram) hoặc 5U (dưới 80 gram). Nếu tính thêm trọng lượng dây và băng quấn cán, chiếc vợt sẽ nặng thêm trên dưới 10 gram nữa.
Chọn vợt cầu lông vừa sức
2. Chọn theo chu vi cán vợt cầu lông.
Chu vi cán vợt thường được các nhà sản xuất ghi bằng chữ G cũng ở trong tem, ngay bên cạnh số chữ U trọng lượng. Số G càng lớn thì cán vợt càng nhỏ, dân Âu Mỹ chuộng cán chu vi G2, G3 còn người Việt Nam ta thường chọn G4, G5. Như vậy, khi đọc tổng thể tem dán về tính chất vợt thì bạn có thể thấy 3UG4 hoặc 4UG5.... Bạn có thể hiểu trước xem nó có vừa vặn với mình không.
3. Chiều dài vợt cầu lông.
Chiều dài có thể được các nhà sản xuất ghi ở phần thân của vợt cầu lông hoặc theo thông số công bố trên website của hãng. Độ dài tiêu chuẩn của vợt cầu lông từ cả trăm năm nay là 665 mm. Hơn thập kỷ qua, để nâng thêm ưu thế tấn công, người ta sản xuất ra các loại vợt dài hơn (nhưng không vượt quá 680 mm là tiêu chuẩn cho phép). Ngày càng có nhiều loại vợt được ghi "long" hoặc "longsize" với chiều dài khoảng 675 mm. Trong các hãng sản xuất thì Carlton là trung thành với việc làm ra vợt 665 mm; hầu hết các chủng loại của Yonex dài 675 mm, Gosen còn nhích thêm một chút (678 mm). Proace, Caslon, Victor nay cũng có các loại vợt có chiều dài xê xích để bạn dễ chọn. Vợt ngắn hay dài là tùy thích, nhưng nên cân nhắc kĩ trước khi mua cái thứ hai (để sơ-cua), sao cho vợt sử dụng thường ngày nên cùng một độ dài, đỡ lúng túng khi thay đổi.
4. Chọn vợt nặng đầu (Heavy Head), cân bằng (Even Balance) hay nhẹ đầu (Light Head).
Những khái niệm này có khi được ghi trên thân vợt, chữ khá nhỏ, phải chú ý mới thấy. Bạn nào trẻ khỏe, hay đập cầu, tạt cầu, lấy thế công làm chính thì thường thích vợt nặng đầu. Ngược lại, các anh quá tuổi trung niên, các bác hưu trí yếu sức hơn, hay đánh zic zac, lấy thế thủ và thế gài cầu làm chính thì thường thích vợt nhẹ đầu. Ai có lối đánh công thủ tương đối toàn diện thì có vẻ phù hợp với loại Balance. Một số vợt đời sau của Proace có loại nặng đầu, với Yonex là CAB 20MS, CAB 30MS, Ti10, MP88, AT700, AT800...
Chọn vợt cầu lông dựa vào độ cân bằng
Khi chọn mua, cầm thử cũng có cảm giác ban đầu về việc này và kể cả về độ cứng của thân vợt. Người có lực cổ tay mạnh ưa dùng vợt thân cứng; nếu lực cổ tay hơi yếu bạn chọn vợt hơi dẻo (Flexible) hơn. Với vợt thân dẻo, độ linh hoạt khi sử dụng cũng cao hơn. Thực tế, các nhà sản xuất cũng có "chiêu" làm tăng độ dẻo thân vợt dù thân làm bằng chất liệu cứng, nói nôm na là "tăng lực" các kiểu. La Fleche thì có thân vợt nhỏ dần từ cán lên, Wilson thì "trợ lực" ở phần cán tiếp giáp thân vợt, Gosen thì thiết kế thân vợt có một đoạn nối ngắn. Dù sao, hiệu quả sử dụng các loại vợt "tăng lực" này còn tùy vào tài nghệ của bạn chứ không cứ "tăng" là tốt. Ngoài ra, có nhà sản xuất ghi rõ trên thân vợt chữ offensive (công) hoặc defensive (thủ) cho bạn dễ chọn cái hợp "gu".
5. Chọn vợt đánh đôi hay đánh đơn?
Nếu bạn không dự định làm vận động viên chuyên nghiệp thì việc loại vợt nào chuyên dùng để đánh đơn hay đánh đôi cũng không quan trọng lắm. Dân phong trào thường lấy đánh đôi làm chính.
Chọn vợt cầu lông đánh đơn hay đôi
6. Chọn vợt cầu lông vừa túi tiền.
Nói "tiền sao, của vậy" hơi quá đáng, nhưng nếu bạn mua vợt tầm dưới 200 ngàn đồng/chiếc thì hơi phí bởi cái sự vừa nặng, vừa cứng, lại không bền. Trong khoảng từ 200 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, bạn có thể chọn được vợt tốt hơn của các nhà sản xuất như đã nêu trên cùng với của một số thương hiệu khác như Finnex, Winex. Riêng vợt cầu lông của một số đại gia "chuyên trị" dụng cụ quần vợt như Wilson, Prince, Babolat.... dù không phổ biến lắm nhưng cũng có một số loại phù hợp, trong đó có nhóm nCode (có sử dụng chất liệu nano carbon trong một số chỗ ở đầu và thân vợt).
Nếu đầu tư trên 1 triệu đồng, bạn có thể vừa đã mua chất lượng vợt, vừa chi thêm cho thương hiệu vợt mà Yonex là tiêu biểu. Hầu hết các loại Yonex bình dân (giá dưới 1 triệu đồng) đều không sản xuất tại Nhật mà từ một nước khác. Các loại Yonex cấp cao và chính gốc thường đến VN với dòng chữ Made in Japan và mã vùng phân phối SP (Singapore), TL (Thái Lan), IP (Indonesia), số ít là vợt xách tay có mã vùng phân phối TW (Đài Loan) hoặc tên viết tắt của một số nước khác được khắc ở sau số serie trên cán vợt. Tùy loại, giá Yonex cao cấp dao động từ 1,2 đến hơn 3,5 triệu đồng. Trừ nhóm Carbonex, các nhóm vợt còn lại của Yonex như Isometric, Titanium, Muscle Power, Armotec, Nanospeed khá dễ "bầm dập" khi va chạm, cần được sử dụng cẩn thận. Cũng cần tập trung chú ý đến hàng giả, hàng nhái Yonex đầy rẫy trên thị trường, y chang các kiểu vợt cao cấp nhưng bán ra vài ba trăm ngàn đồng một cái, có thể phát hiện qua chất lượng sơn kém hơn, số serie chỉ được in (chứ không khắc) trên cán...
Chỉ cái vợt cầu lông không thể nào làm nâng cao đẳng cấp của bạn. Dù bàn cãi sôi nổi về vợt, các fan cầu lông khắp thế giới vẫn nhất trí với nhau rằng: hãy chọn cái nào phù hợp với trình độ và túi tiền, không nhất thiết phải chọn loại vợt của các nhà vô địch.
Lời kết.
Trên đây là toàn bộ tư vấn cách chọn vợt cầu lông tốt và hợp túi tiền cho người mới đã được tổng hợp, chia sẻ bởi Thiên Trường Sport. Hy vọng những thông tin tư vấn trên hữu ích và có thể giúp bạn lựa chọn cho mình cây vợt tốt, phù hợp nhất. Chúc các bạn chọn được 1 cây vợt vừa ý với mình !
Thiên Trường Sport là địa chỉ chuyên bán dụng cụ cầu lông uy tín, có đầy đủ các dụng cụ và giá thành đảm bảo luôn rẻ nhất tại Việt Nam. Nếu bạn có nhu cầu tham khảo thêm các dụng cụ của môn cầu lông thì có thể xem chi tiết tại trụ cầu lông hoặc máy căng vợt cầu lông. Xin cảm ơn !
Sưu tầm !
Đọc thêm ▾