Bóng đá - môn thể thao vua đầy hấp dẫn đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng triệu người hâm mộ Việt Nam. Nhưng liệu bạn đã biết bóng đá du nhập vào Việt Nam từ năm nào? Tìm hiểu ngay!
Bóng đá du nhập vào Việt Nam từ năm nào?
Bóng đá là một trong những môn thể thao hiện đại được du nhập sớm nhất vào Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XIX và tính đến hiện tại bóng đá nước ta đã trải qua hơn 1 thế kỷ hình thành và phát triển.
Bóng đá du nhập vào Việt Nam từ năm nào? Theo thông tin trên wikipedia, bóng đá đã bắt đầu theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam từ những năm 1896 dưới thời Pháp thuộc. Nó được phát triển đầu tiên ở miền Nam sau đó mở rộng dần ra khu vực miền Bắc và miền Trung.
Những người chơi bóng đầu tiên chủ yếu là các công chức, thương gia và người Pháp tại Sài Gòn, sau đó một số người dân bình thường cũng bắt đầu tham gia đá bóng và tổ chức thi đấu với nhau. Năm 1947, Việt Nam thành lập đội tuyển bóng đá cấp quốc gia.
Lịch sử phát triển của bóng đá Việt Nam
Sự kiện đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện chính thức của môn thể thao này tại Việt Nam trận đấu giao hữu giữa các cầu thủ trên tàu H.M.S King Alfred của Anh đang viếng thăm Sài Gòn với đội bóng đá địa phương gồm những cầu thủ Việt và Pháp.
Năm 1907, đội bóng đá Gia Định Sports do ông Ba Vẽ, Phú Khai đứng đầu và dẫn dắt được thành lập, đây được xem là đội bóng đầu tiên của người Việt Nam. Ngay sau đó, ông Nguyễn Đình Trị cũng thành lập đội bóng Ngôi Sao Xanh (Étoile Bleue).
Ngày 20/7/1908, trận đấu bóng đá gồm toàn cầu thủ người Việt được chính thức diễn ra một cách trang trọng và chuyên nghiệp, tin tức này đã được đăng tải trên trang báo nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ là Lục tỉnh Tân Văn.
Nhiều đội bóng mới cũng lần lượt ra đời, các sân vận động cũng được xây dựng ở nhiều địa phương và các tỉnh thành khác. Năm 1928, Việt Nam lần đầu cử một đội bóng chính thức sang nước ngoài (Singapore) thi đấu.
Tại miền Bắc và miền Trung bóng đá được biết đến và phát triển muộn hơn vào khoảng năm 1906 - 1907. Năm 1909, trận đấu bóng đá đầu tiên được tổ chức tại Hải Phòng với cuộc so tài giữa 2 đội là Lê Dương Đáp Cầu (Legion Đáp Cầu) và Olympique Hải Phòng. Trong những năm 1910 - 1920, nhiều câu lạc bộ bóng đá ở miền Bắc được thành lập nhưng do có ít sân vận động nên các trận đấu chủ yếu diễn ra ở bãi trống hay phố vắng.
Giai đoạn từ năm 1954 - 1975 khi đất nước bị chia cắt làm 2 miền do chiến tranh thì phong trào bóng đá giữa 2 miền Nam - Bắc cũng tạm thời bị tách ra. Sau khi non sông thu về một mối thì ngày 7/11/1976, trận đấu giữa 2 đội bóng là tổng cục đường sắt (đại diện miền Bắc) và cảng Sài Gòn (đại diện miền Nam) được diễn ra, đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu cho sự thống nhất của nền bóng đá nước nhà.
Từ năm 1976 - 1991 do đất nước còn nghèo, nền kinh tế - xã hội nước nhà còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa phải giải quyết những xung đột biên giới với các nước khác nên bóng đá cũng chưa nhận được nhiều sự quan tâm.
Nền bóng đá Việt Nam trong giai đoạn này cũng bị trì trệ và không có sự phát triển đáng kể. Khi đất nước bước vào thời kỳ cải cách đổi mới, liên đoàn bóng đá mới cũng được thành lập vào tháng 8/1989 với tên gọi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). VFF hiện là thành viên của nhiều tổ chức và hiệp hội bóng đá trên thế giới như liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF).
Từ năm 1991 đến nay, bóng đá Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn đổi mới và tái phát triển tuy có lúc thăng lúc trầm nhưng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam luôn thi đấu hết mình để mang vinh quang về cho tổ quốc với nhiều giải thưởng danh giá trong cả bóng đá nam, bóng đá nữ và futsal.
>>> Kích thước sân bóng đá Futsal
Quá trình phát triển đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thuộc sự quản lý của liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), những nữ chiến binh sao vàng hiện đang ở vị trí thứ 32 trong bảng xếp hạng bóng đá nữ FIFA. Để đạt được những thành tựu to lớn như ngày hôm nay, đội tuyển bóng đá nữ của chúng ta đã phải trải qua một chặng đường dài hình thành và phát triển, đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách.
Hành trình đưa bóng đá nữ Việt Nam bước ra với thế giới được bắt đầu từ những bước sơ khai cách đây khoảng 3 thập kỷ. Mặc dù được thành lập từ năm 1990 nhưng đến tận năm 1997 đội bóng nữ Việt Nam mới chính thức được thi đấu trận đầu tiên.
Kể từ năm 2001, Việt Nam và Thái Lan được xem là 2 đội bóng nữ mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Các cô gái của chúng ta đã từng nhiều lần giành huy chương vàng tại giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á trong các năm 2006, 2012, 2019 và ngày càng củng cố vị thế hàng đầu của mình trong khu vực khi vô địch SEA Game liên tiếp (2001, 2003, 2005, 2009, 2017, 2019, 2021 và 2023).
Năm 1998, đội tuyển bóng đá nữ nước ta lần đầu tiên tham dự Á vận hội nhưng chưa để lại nhiều ấn tượng, phải đến Á vận hội 2010 Việt Nam mới giành được chiến thắng đầu tiên. Tại Á vận hội 2014, những cô gái của chúng ta đã tạo ra bước đột phá lớn khi giành vị trí thứ 4.
Từ năm 2010, chúng ta tiến hành nhiều cải cách và nâng cao tiêu chuẩn để thúc đẩy bóng đá nữ Việt Nam phát triển hơn nữa. Và cuối cùng thời khắc lịch sử ấy cũng đến, lần đầu tiên quốc thiều Việt Nam đã được vang lên tại sân chơi bóng đá nhất thế giới FIFA World Cup 2023 vào ngày 22/7/2023.
Có thể trong lần đầu ra biển lớn khi đối mặt với những đối thủ đẳng cấp hàng đầu thế giới, các cô gái của chúng ta không giành được chiến thắng nhưng tinh thần và ý chí quyết tâm rất đáng tự hào. Hàng triệu con tim của người hâm mộ Việt Nam luôn đồng hành cùng đội tuyển nữ, hy vọng các cầu thủ luôn chân cứng đá mềm và nền bóng đá Việt Nam sẽ ngày càng phát triển thành công hơn nữa.
Có thể bạn chưa biết: Luật chơi bóng đá
Văn hóa bóng đá tại Việt Nam
Mỗi nơi trên thế giới lại có những cách cổ vũ và bày tỏ tình yêu với môn thể thao vua này theo những cách khác nhau. Và tại Việt Nam tình yêu đối với trái bóng tròn không chỉ là sự hâm mộ thể thao đơn thuần mà nó còn được xem như một nét văn hóa thể thao riêng biệt mà không đâu so sánh được.
Những giải đấu quốc nội tại Việt Nam có thể không được chú ý quá nhiều nhưng số lượng cổ động viên đến sân cổ vũ và theo dõi đội bóng mình yêu thích cũng thường rất động đặc biệt là một số địa phương như Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh…
Người Việt thường chú ý nhiều hơn đến những trận đấu có đội tuyển quốc gia Việt Nam thi đấu. Mỗi khi đội tuyển Việt Nam thi đấu với các nước khác đều nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt của tất cả người hâm mộ trên cả nước, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Chúng ta sẽ thấy không khí sôi động len lỏi khắp nơi trên cả nước từ thành thị đến nông thôn. Lúc này hầu như tất cả mọi người sẽ tụ tập, sum vầy lại cùng nhau có thể bên những chiếc tivi hay xung quanh màn hình lớn ở những tụ điểm công cộng chỉ để chứng kiến các cầu thủ như Công Phượng, Quang Hải, Anh Đức… ghi bàn.
Bất cứ khi nào có đội tuyển quốc gia Việt Nam thi đấu, mọi người sẽ thấy tình yêu bóng đá của người dân nước Việt, sẽ thấy màu cờ đỏ sao vàng khắp mọi nơi. Trong những ngày này, những người vốn chẳng quan tâm hay yêu thích bóng đá cũng sẽ nói về bóng đá và cổ vũ bóng đá.
Ở Việt Nam, bóng đá không chỉ là văn hóa thể thao giải trí đơn thuần mà nó chính là đại diện cho sự đoàn kết, là dịp để người hâm mộ cả nước gắn kết với nhau hơn để cổ vũ cho các cầu thủ và cũng là để thể hiện tình yêu nước của mình.
Từ khi du nhập vào Việt Nam cho đến ngày hôm nay, môn thể thao vua đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Chúc cho nền bóng đá Việt Nam ngày càng có được thêm nhiều kết quả tốt, sánh vai cùng các đội tuyển khu vực và quốc tế.
Đọc thêm ▾